TRAFFIC Logo

 

Wildlife Trafficking in The Mekong

Published 04 Tháng sáu 2021

  English | Chinese | Thai 

Tăng cường ứng phó với nạn buôn bán động, thực vật hoang dã bất hợp pháp khu vực hạ lưu sông Mê Kông

Hà Nội, Việt Nam, ngày 04 tháng 06 năm 2021 – Hình ảnh hàng ngàn bộ phận và sản phẩm từ động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) bày bán công khai tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông trong video mới công bố của Tổ chức TRAFFIC cho thấy cuộc chiến chống tội phạm buôn bán ĐTVHD vẫn chưa có hồi kết, các quốc gia trong khu vực cần thực thi những biện pháp mạnh tay hơn nữa.


Các quốc gia thuộc hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, từ lâu được biết đến là điểm nóng diễn ra hoạt động buôn bán ĐTVHD bất hợp pháp. Mặc dù các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giám sát, thực thi pháp luật và can thiệp chính sách trong nhiều thập kỉ qua; nhưng theo kết quả khảo sát gần đây tại năm quốc gia thuộc khu vực hạ lưu sông Mê Kông, những khu chợ buôn bán các sản phẩm từ ĐTVHD vẫn tồn tại công khai, bất hợp pháp và không có sự quản lý.

Gần 78,000 bộ phận và sản phẩm từ ĐTVHD được bày bán tại hơn 1,000 cửa hàng trong các thành phố và thị trấn khảo sát tại năm quốc gia trong giai đoạn từ năm 2019 - 2020.

Các bộ phận và sản phẩm từ nhiều loài ĐTVHD khác nhau được tìm thấy trong cuộc khảo sát, bao gồm các loài như gấu, mèo lớn, hồng hoàng, tê tê, tê giác và linh dương, nhưng nhiều nhất vẫn là ngà voi.

Thậm chí, nhiều sản phẩm được tận dụng làm ra từ cùng một loài hay một bộ phận. Ví dụ, vảy tê tê được bán ở dạng nguyên bản, mài thành bột để chữa bệnh, chạm khắc thành trang sức hoặc được bán làm bùa hộ mệnh.

Bà Agkillah Maniam, Tổ chức TRAFFIC nhận định rằng: “Sự đa dạng và phổ biến trong hình thức buôn bán ĐTVHD bất hợp pháp tại một số địa điểm cho thấy hoạt động trái phép này không những vẫn luôn tồn tại ngầm mà thậm chí, trong một số trường hợp, có dấu hiện phát triển mạnh mẽ.”

Trong số đó phải kể đến những đặc khu kinh tế (SEZs) xây dựng tại nhiều quốc gia trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông với mục tiêu thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư, cung cấp việc làm và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Những đặc khu kinh tế này ngày càng mở rộng trong thời gian gần đây và đang được xem là điểm nóng diễn ra hoạt động buôn bán ĐTVHD bất hợp pháp, trong đó phải kể đến thị trấn Boten và Bokeo tại Lào và thành phố Sihanoukville tại Campuchia.

Video nêu bật những nỗ lực ứng phó đã được áp dụng trong khu vực, bao gồm nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật trong lĩnh vực điều tra tội phạm ĐTVHD, cung cấp công cụ hỗ trợ nâng cao kĩ năng nhận dạng và phát hiện sản phẩm từ ĐTVHD bất hợp pháp đang được bày bán tại những khu chợ và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các bộ phận và sản phẩm từ ĐTVHD.

Tuy nhiên, trước tình trạng buôn bán ĐTVHD bất hợp pháp vẫn tồn tại và thậm chí ngày càng phát triển, video cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường điều tra hoạt động buôn bán ĐTVHD bất hợp pháp và khuyến nghị những biện pháp cứng rắn hơn với loại tội phạm này.

Lệnh cấm di chuyển do dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động thương mại, bằng chứng từ cuộc khảo sát diễn ra vào cuối năm 2020 cho thấy những sản phẩm từ ngà voi vẫn được công khai bày bán nhưng với số lượng nhỏ hơn.

Vào tháng 12 năm 2020, các cơ quan chức năng tại Việt Nam đã tịch thu 93kg sừng tê giác Châu Phi từ nhà kho gần Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại Hồ Chí Minh, cho thấy dịch bệnh không gây ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán ĐTVHD bất hợp pháp và dấy lên câu hỏi về nguồn lưu trữ cũng như nguồn cung cho thị trường trong tương lai.

Bà Kanitha Krishnasamy, Giám đốc Văn phòng Tổ chức TRAFFIC tại Đông Nam Á cho biết: “Sẽ thật chủ quan khi cho rằng dịch bệnh có thể hạn chế hoạt động buôn bán ĐTVHD bất hợp pháp trong một thời gian dài. Bởi vậy, công tác giám sát và điều tra cần được tiếp tục tiến hành. Khảo sát thực địa là hoạt động cần thiết giúp chúng ta hiểu chính xác về cách thức những đối tượng buôn lậu, buôn bán và người tiêu dùng sản phẩm từ động vật hoang dã đã thích ứng như thế nào với những thay đổi hiện nay.”

Cũng theo bà Krishnasamy: “Cần thúc đẩy cam kết và hợp tác giữa các cơ quan quản lý tại các quốc gia trong khu vực. Buôn bán ĐTVHD bất hợp pháp không phải là vấn nạn mà một quốc gia đơn lẻ có thể tự giải quyết.”

Sau 30 năm tiến hành khảo sát và điều tra thị trường buôn bán ĐTVHD bất hợp pháp trong khu vực, mới đây Tổ chức TRAFFIC đã công bố kết quả khảo sát và video tổng hợp. Báo cáo phân tích về hoạt động thương mại ngà voi và thương mại bất hợp pháp tại một số địa điểm trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông sẽ được thông báo trong một vài tháng tới.


Notes:

The documentary is also available in the following languages:

Vietnamese

Chinese

Thai

Burmese