TRAFFIC Logo

 

Published 24 Tháng ba 2020

  English | Chinese 

Mối liên quan giữa đại dịch COVID-19 và việc buôn bán động vật hoang dã – Góc nhìn từ TRAFFIC

Thông tin chung
Đại dịch COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, hiện đang ảnh hưởng và gây thiệt hại trên phạm vi toàn cầu, có thể gây thiệt mạng trong trường hợp nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê tới ngày 24/03/2020, đã có 16,365 ca tử vong được ghi nhận tại hơn 150 quốc gia trong tổng số 370,000 ca nhiễm COVID-19.


Chủng virus corona mới này được cho là lây từ động vật hoang dã (ĐVHD) sang người, tuy chưa được xác định chắc chắn là loài nào chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng hoạt động buôn bán bất hợp pháp ĐVHD tiềm ẩn nguy cơ tới sức khỏe con người.

Mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia hiện nay tập trung chủ yếu vào các tác động tới sức khỏe cộng đồng nhằm hạn chế số ca tử vong. Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng đang xem xét và điều chỉnh các quy định liên quan tới hoạt động buôn bán ĐVHD. Tổ chức TRAFFIC cho rằng đây chính là thời điểm quan trọng để các quốc gia thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn nữa nhằm chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, giảm thiểu rủi ro trong tương lai liên quan đến truyền bệnh giữa động vật và người.

Nguồn gốc lây nhiễm 
Tới thời điểm hiện tại, nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được xác định chính xác. 
Các ca nghi nhiễm đầu tiên xuất hiện tại một chợ hải sản tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi diễn ra tình trạng buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. 

Các giả thuyết ban đầu cho rằng virus bắt nguồn từ dơi, tuy nhiên chúng lại không gây ảnh hưởng nào nghiêm trọng tới loài này. Tháng 03/2019, một nhóm nghiên cứu tại Vũ Hán đã đưa ra cảnh báo về chủng virus tồn tại trong quần thể loài dơi Trung Quốc 'rất có khả năng sẽ làm bùng phát dịch do virus corona mới trong tương lai, tương tự SARS hoặc MERS, sẽ bắt nguồn từ dơi và có nhiều khả năng sẽ xảy ra ở Trung Quốc”.

Các trận dịch lớn trước đây, như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2013, đều được cho là có nguồn gốc từ virus corona từ loài dơi và đã nhảy loài lây sang người qua cầy hương và lạc đà.

Ngay từ những ngày đầu khi dịch bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra nhận định rằng virus bắt nguồn từ loài dơi và có thể đã lây sang người qua một loài khác. 

Các phân tích cho thấy dơi dường như là vật chủ cho SARS-CoV-2 nhưng vật chủ trung gian chưa được xác định.
 
Các kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy tê tê là vật chủ trung gian tiềm năng của chủng virus corona mới. Theo một nghiên cứu khoa học, chuỗi gen tiến hóa của virus phân lập từ loài tê tê Malaysia giống 99% với virus corona Vũ Hán. Thêm vào đó, Đại học Nông nghiệp Hoa Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc cũng cho rằng tê tê là nguồn lây nhiễm nCoV-2019 trên cơ sở so sánh chuỗi tiến hóa của virus corona từ động vật và từ người bị nhiễm trong ổ dịch. Tuy nhiên, các giả thuyết này vẫn chưa được thế giới công nhận dù vậy một tạp chí khoa học cũng đã cho rằng điều này là “rất có thể”.

Tê tê có khả năng cao là vật chủ lây truyền virus SARS-CoV-2 thông qua quá trình tiến hóa và chọn lọc tự nhiên chủng virus mới này.

Vẫn chưa biết được bằng cách nào virus lây truyền từ loài dơi sang vật chủ trung gian [có thể là tê tê] nhưng sự lây truyền từ vật chủ trung gian sang người được cho là do tiếp xúc gần ở một chợ hải sản tại Vũ Hán - tụ điểm buôn bán nhiều loài ĐVHD. Tình trạng quản lý lỏng lẻo tại những khu chợ kiểu này dẫn đến những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc tiếp xúc gần giữa ĐVHD và người tạo điều kiện cho virus từ ĐVHD dễ dàng lây sang người.

Phản ứng của các quốc gia 
Tổ chức TRAFFIC ủng hộ việc các chính phủ đã thực thi các biện pháp kịp thời, như lệnh cấm tạm thời buôn bán và tiêu thụ ĐVHD tại Trung Quốc hồi tháng 02/2020 hay việc Việt Nam cũng đang cân nhắc áp dụng quy định tương tự. Chúng tôi khuyến nghị các quốc gia có liên quan cùng hành động để giảm thiểu nguy cơ bùng phát của các dịch bệnh tương tự từ ĐVHD.

Những động thái nhằm giải quyết nạn buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, thiếu kiểm soát là lời cảnh tỉnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật này và, hơn lúc nào, cần được siết chặt hơn nữa trên tinh thần nhấn mạnh buôn bán ĐVHD bất hợp pháp – dù là trực tiếp hay trực tuyến – cũng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe của con người cũng như bảo tồn đa dạng sinh học.

Cộng đồng và nhiều tổ chức bảo tồn đang cùng nhau kêu gọi các chính phủ cấm buôn bán ĐVHD bất hợp pháp vĩnh viễn. Bất kỳ biện pháp mới nào cũng cần được xem xét kỹ về tính khả thi và tầm ảnh hưởng của nó. Việc ban hàng các quy định mới nếu không được thực thi một cách nghiêm túc vẫn sẽ tạo lỗ hổng cho hoạt động buôn bán ĐVHD ngầm diễn ra.

Tổ chức TRAFFIC tin rằng, tại thời điểm hiện tại, các quốc gia chưa áp dụng các biện pháp xử lý khẩn cấp với hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp nên cân nhắc bổ sung. Các hạn chế này có thể điều chỉnh trong tương lai khi các quốc gia đã xác định và đánh giá hết mọi rủi ro liên quan có thể xảy ra. Việc phòng tránh hiệu quả các dịch bệnh lây truyền từ ĐVHD có thể đòi hỏi các quốc gia phải rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật và quy định hiện hành liên quan đến hoạt động buôn bán này. Cần luôn đảm bảo được tính hợp pháp, bền vững và nguồn gốc rõ ràng của các mẫu và sản phẩm từ ĐVHD. Thêm vào đó, việc giám sát liên tục và xuyên suốt chuỗi thương mại này để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Cụ thể, các kiến nghị bao gồm:
• Xây dựng các quy định, quy trình nghiêm ngặt để kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, bán và tiêu thụ thịt, các sản phẩm và dẫn xuất khác từ ĐVHD
• Xây dựng các quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến phúc lợi động vật, vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, phân phối và giới thiệu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật 
• Phát triển và áp dụng các công cụ hỗ trợ để tăng cường truy xuất nguồn gốc, chứng nhận và giám sát thương mại các sản phẩm này
Cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan, bao gồm các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về virus, các chuyên gia dịch tễ học, chuyên gia thương mại, cơ quan thực thi pháp luật, chuyên gia nông nghiệp, trước ban hành hay áp dụng bất kỳ quy định mới.

Trên quy mô toàn cầu, khi phát triển các chính sách liên quan đến buôn bán ĐVHD, cần tham khảo ý kiến của các cơ quan quốc tế có liên quan, bao gồm CBD, CITES, FAO và WHO.

Trong kế hoạch trung và dài hạn, sau khi đánh giá đầy đủ các rủi ro và trước khi mở cửa cho bất kỳ giao dịch nào, các chính phủ sẽ cần phải có các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh bắt nguồn từ buôn bán ĐVHD bùng phát trong tương lai.

Dòng thời gian bùng phát dịch 
Cuối tháng 12/2019, một chủng virus corona mới được phát hiện và báo cáo tại Trung Quốc, các ca nhiễm đầu tiên tập trung chủ yếu tại một chợ hải sản tại Vũ Hán, nơi tập trung buôn bán nhiều loài ĐVHD. Tại thời điển đó, chưa có bằng chứng nào cho thấy virus này dễ lây nhiễm cho người.

Ngày 11/01/2020, Trung Quốc ghi nhận ca tử vong đầu tiên do chủng virus mới.

Cuối tháng 01/2020, thành phố Vũ Hán bị phong tỏa. Trên thế giới ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ngoài Trung Quốc. 
Ngày 26/01/2020, Chính phủ Trung Quốc ban bố lệnh cấm tạm thời buôn bán và tiêu thụ ĐVHD tại các chợ, siêu thị, nhà hàng và trên các nền tảng thương mại điện tử.

Cũng cùng thời điểm này, WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Mặc dù nhiều quốc gia đã ngay lập tức hạn chế việc xuất nhập cảnh có liên quan đến các vùng dịch nhưng virus vẫn không ngừng lây lan trên khắp thế giới.

Trong các tuần sau đó, dịch bệnh COVID-19 bùng phát nghiêm trọng tại Iran, Hàn Quốc và Ý với số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh, vượt qua cả Trung Quốc.

Ngày 24/02/2020, để giải quyết hậu quả của việc quản lý hoạt động buôn bán ĐVHD yếu kém trước đây, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng những quy định mạnh tay hơn – như cấm ăn ĐVHD – nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm dịch bệnh từ ĐVHD sang người.

Cuối tháng 03/2020, dịch bệnh bùng phát tại Mỹ và các quốc gia châu Âu, bao gồm Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ và Anh.